Lịch sử Võ_Thị_Sáu_(phường)

Nhà thờ Tân Định

Trước năm 1975, địa bàn phường Võ Thị Sáu hiện nay tương ứng với phường Đài Chiến Sĩ và một phần phường Yên Đổ thuộc quận 3, thành phố Sài Gòn. Ranh giới hai phường là đường Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng). Phần lớn các tên phường ở Sài Gòn dưới thời Việt Nam Cộng hòa được đặt theo tên một con đường hoặc một địa điểm nổi tiếng tại phường đó. Đài Chiến Sĩ vốn là tên của vòng xoay Hồ Con Rùa lúc bấy giờ, còn tên phường Yên Đổ được đặt theo đường Yên Đổ. Về sau, do Công trường Đài Chiến Sĩ đổi tên thành Công trường Quốc tế nên phường Đài Chiến Sĩ cũng được đặt tên mới là phường Hiền Vương theo tên con đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu).

Năm 1976, các phường Hiền Vương và Yên Đổ giải thể để thành lập 7 phường mới đánh số từ 11 đến 17.

Ngày 26 tháng 8 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 147-HĐBT[3]. Theo đó, giải thể Phường 16, địa bàn sáp nhập vào Phường 15 và Phường 17.

Ngày 17 tháng 9 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 145-HĐBT. Theo đó:

  • Đổi tên Phường 11 thành Phường 6
  • Sáp nhập Phường 12 và Phường 15 thành một phường lấy tên là Phường 7
  • Sáp nhập Phường 13 và Phường 14 thành một phường lấy tên là Phường 8.

Đến năm 2019, Phường 6 có diện tích 0,88 km², dân số là 7.263 người; Phường 7 có diện tích 0,92 km², dân số là 12.595 người; Phường 8 có diện tích 0,40 km², dân số là 16.877 người.

Ngày 9 tháng 12 năm 2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2021)[1]. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Phường 6, Phường 7 và Phường 8 để thành lập phường Võ Thị Sáu.